Sự nghiệp Ngô Kinh

Năm 1995, đoàn làm phim điện ảnh Thái Cực quyền của Hồng Kông đến trường Thể dục thể thao Bắc Kinh để tìm một nam diễn viên có căn bản võ thuật cho phim, và Ngô Kinh đã được Viên Hòa Bình chọn. Khó khăn lắm đạo diễn này mới thuyết phục được nhà trường cho mượn Ngô Kinh trong 4 tháng, vì vào thời điểm đó Ngô Kinh cũng đang chuẩn bị đi thi đấu võ thuật toàn quốc.[2]

Trong vai diễn đầu đời, được hợp tác với các đạo diễn nổi tiếng: Trương Hâm Viêm, Viên Hòa Bình, lại đóng chung với diễn viên gợi cảm Chung Lệ Đề khiến Ngô Kinh không tránh khỏi sự hồi hộp. Anh không diễn tả hết tình cảm của nhân vật và tệ nhất là mỗi lần diễn cảnh đánh nhau, anh đều đánh thật và rất mạnh tay với bạn diễn, vì không biết đánh thế nào cho vừa phải[cần dẫn nguồn]. Nhưng bù lại, gương mặt ngây thơ, trong sáng của anh đã thuyết phục được đạo diễn và khán giả.

Thái Cực quyền ra mắt thành công. Ngô Kinh tiếp tục được Trương Hâm Viêm mời tham gia phim Công phu tiểu tử phá tình quan trong năm đó, và phim cũng được khán giả đón nhận[2]. Thành công bước đầu với điện ảnh đã góp phần đưa Ngô Kinh rời khỏi trường lớp để đi vào con đường diễn xuất chuyên nghiệp.[2]

Nổi tiếng trên màn ảnh nhỏ

Rời khỏi trường học, Ngô Kinh tham gia hai bộ phim truyền hình cổ trang của Viên Hòa Bình là Thái cực tôn sư và Thiếu Lâm tự (hợp tác cùng Phàn Thiếu Hoàng, Chu Ân, Tiền Gia Lạc...). Vai diễn của Ngô Kinh trong Thiếu Lâm tự được giới chuyên môn đem ra so sánh với Lý Liên Kiệt, người từng đóng vai này trong bộ phim điện ảnh cùng tên vào năm 1982.

Những loạt phim truyền hình kể trên là bước đầu giúp Ngô Kinh được nhiều khán giả yêu thích. Tuy vậy, các đạo diễn cho rằng anh chỉ giỏi biểu diễn các màn võ thuật đơn thuần chứ không giỏi diễn tả tâm lý nhân vật, nên không dám mời anh vào những vai diễn đòi hỏi nhiều về diễn xuất nội tâm. Chỉ đến khi Ngô Kinh thể hiện khá tốt vai Càn Long trong phim Giang sơn vi trọng thì các đạo diễn mới nhìn nhận khả năng của anh.

Thuở ban đầu thành công với điện ảnh, nhưng sau đó có vẻ như Ngô Kinh lại nổi tiếng nhiều hơn nhờ các phim truyền hình.

Tiến vào điện ảnh

Năm 2001, Ngô Kinh được Viên Hòa Bình tiến cử với Từ Khắc để anh cùng hợp tác với những tên tuổi như Trịnh Y Kiện, Trương Bá Chi, Cổ Thiên Lạc... trong bộ phim điện ảnh Thục Sơn kỳ hiệp. Tuy vậy, Thục Sơn kỳ hiệp lại là một trong những phim không thành công của Từ Khắc do dùng kỹ xảo quá nhiều. Năm sau, đạo diễn võ thuật nổi tiếng Lưu Gia Lương mời anh đóng bộ phim Túy mã lưu, trong phim anh đã diễn tả những môn võ hầu quyềntúy quyền khá đặc sắc, nhưng rồi phim vẫn không thành công như mong đợi.

Năm 2005, anh góp mặt trong hai phim điện ảnh: Nhất tiễn song điêu và Sát Phá Lang. Trong đó, vai diễn đặc biệt trong phim Sát Phá Lang của Diệp Vĩ Tín đã đánh dấu một bước quan trọng trong sự nghiệp điện ảnh của anh. Trong phim này, lần đầu tiên Ngô Kinh đóng vai phản diện: anh vào vai Jack, một sát thủ có vẻ mặt ác độc, tính cách lạnh lùng tàn bạo, chỉ biết tuân lệnh cấp trên. Bộ phim là sự quy tụ của ba thế hệ diễn viên võ thuật: Chân Tử Đan, Hồng Kim Bảo và Ngô Kinh. Ngô Kinh đã có một trận đấu tay đôi với Chân Tử Đan ở đoạn gần cuối phim, trở thành trận giao đấu ấn tượng nhất của bộ phim.[2]

Thành công của Sát Phá Lang giúp Ngô Kinh được nhiều nhà làm phim điện ảnh chú ý. Từ năm 2006 đến 2008, anh có 8 tác phẩm điện ảnh, trong đó có một số phim ăn khách như Hắc quyền (2006), Nam nhi bản sắc (2007), Điệp vụ song sinh (2007), Huyết chiến (2008) và một phim của Hollywood: Xác ướp 3: Lăng mộ Tần Vương (2008).

Chiến Lang 2

Ngày 27 tháng 7 năm 2017, Ngô Kinh cho ra mắt bộ phim điện ảnh mang đề tài quân sự Chiến Lang 2 (Wolf Warrior 2) do chính anh đạo diễn, viết kịch bản và đảm nhiệm vai chính. Phim nhận được sự đón nhận rất tích cực từ phía khán giả và lập kỷ lục doanh thu phòng vé với tốc độ chóng mặt. Với kinh phí chỉ 200 triệu nhân dân tệ nhưng chỉ sau 11 ngày kể từ khi phát hành, bộ phim đã thu về gần 3,4 tỷ nhân dân tệ tại phòng vé trong nước, vượt qua bộ phim "Mỹ nhân ngư" của ngôi sao điện ảnh Hồng Kông Châu Tinh Trì để trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại của Trung Quốc. Tổng doanh thu của Chiến Lang 2 đạt tới 870 triệu USD trên toàn cầu, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm 98% doanh thu.[5]